Tự kỷ là một dạng khuyết tật xuất hiện trong giai đoạn phát triển và kéo dài suốt đời, đặc trưng bởi những khác biệt trong tương tác và giao tiếp xã hội, các kiểu hành vi và sự nhạy cảm về cảm giác. Trẻ em tự kỷ cần được nhìn nhận như những cá thể độc lập với những điểm mạnh, sở thích cũng như những cá tính riêng của mình. Người tự kỷ nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng có những giá trị và quyền con người giống như mọi người, và họ xứng đáng được hưởng một cuộc sống có chất lượng như tất cả chúng ta.
Phần lớn trẻ tự kỷ và người tự kỷ ở một số thời điểm sẽ có những hành vi có thể gây trở ngại và làm hạn chế khả năng có một cuộc sống tốt đẹp của họ. Hành vi như vậy thường được coi là "cần quan tâm" bởi nó đặt ra thách thức cho tất cả những ai đang hỗ trợ người đó cần phải tìm hiểu tại sao hành vi xảy ra và cùng nhau tìm ra giải pháp. Hành vi cần quan tâm là kết quả của sự tương tác giữa ba yếu tố - bản thân trẻ, môi trường, và những người xung quanh trẻ.
Hỗ trợ Hành vi Tích cực (Positive Behaviour Support - PBS) được xây dựng dựa trên khoa học nghiên cứu về quá trình học tập, và đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy đây là một phương pháp hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và xử lý các hành vi cần quan tâm. Hỗ trợ hành vi tích cực vừa có tính tích cực vừa có tính chủ động. Tính tích cực thể hiện qua việc tạo ra các kết quả tích cực (ví dụ: khen thưởng hay khích lệ) để tăng cường và củng cố các hành vi có ích, thay vì sử dụng các hình phạt hay hậu quả tiêu cực để giảm thiểu hành vi cần quan tâm. Tính chủ động thể hiện trong việc lường trước lý do có thể gây ra vấn đề và ngăn chặn nó, thay vì chỉ phản ứng lại khi vấn đề đã xảy ra.
Ngoài ra, Hỗ trợ Hành vi Tích cực cũng ghi nhận sự hiểu biết và vai trò đặc biệt của cha mẹ, người chăm sóc và gia đình người tự kỷ trong việc quản lý hành vi. Gia đình và người chăm sóc là những người phù hợp nhất giúp tìm ra nguyên nhân hành vi diễn ra, xây dựng kế hoạch quản lý hành vi và sử dụng các chiến lược để thay đổi hành vi đó. Khi hành vi có nguy cơ gây ra rủi ro cao hoặc quá phức tạp và các chiến lược hành vi đang áp dụng không hiệu quả thì gia đình nên nhờ đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia để nhận được các hỗ trợ về can thiệp hành vi.
PBS đưa ra quan điểm rằng người khuyết tật không cố ý chọn việc thực hiện hành vi cần quan tâm. Trọng tâm của phương pháp này là ở môi trường, những người xung quanh và những kỹ năng mà gia đình và người hỗ trợ có thể hướng dẫn cho họ.
Cuốn sách Hướng dẫn Hỗ trợ Hành vi Tích cực của Autism Aspect Australia (Aspect) đã được Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) lựa chọn biên dịch và xuất bản để đưa tới cho phụ huynh và nhà chuyên môn thông tin và kiến thức về phương pháp PBS. Autism Spectrum Australia (Aspect) là tổ chức cung cấp dịch vụ cho người tự kỷ lớn nhất tại Úc, với một trong những hệ thống trường học cho trẻ tự kỷ lớn nhất trên thế giới. Là một tổ chức phi lợi nhuận, Aspect hợp tác cùng với người tự kỷ ở mọi lứa tuổi và gia đình của họ để cung cấp dịch vụ can thiệp dựa trên bằng chứng và các nguyên tắc thực hành tốt, lấy cá nhân và gia đình làm trung tâm và luôn hướng tới nhu cầu của người tự kỷ. Cùng với hai cuốn sách Hướng dẫn phát triển kỹ năng chơi và Hướng dẫn phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc nằm trong bộ cẩm nang dành cho cha mẹ đã được dịch và xuất bản trước đó, cuốn sách này là một trong những nỗ lực của Aspect và CCIHP trong việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ trong hành trình đồng hành và giúp con phát triển.
PBS là một cách tiếp cận gồm ba bậc nhằm quản lý hành vi cần quan tâm ở người khuyết tật. Tại Aspect, chúng tôi sử dụng một số biểu mẫu cụ thể để tổng hợp những thông tin về hành vi của trẻ và các hỗ trợ mà trẻ cần. Mỗi biểu mẫu được sử dụng ở một bậc cụ thể của PBS, như trong hình bên dưới. Một bản Kế hoạch Hỗ trợ Hành vi Tích cực sẽ bao gồm cả 4 biểu mẫu này. Các biểu mẫu được thiết kế để giúp gia đình và các nhà chuyên môn xây dựng các kế hoạch hỗ trợ theo cách của riêng mình mà vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên bằng chứng khoa học.
Bậc 1 – Xây dựng môi trường thân thiện với tự kỷ (tải biểu mẫu tại đây)
Để bắt đầu xây dựng và thực hiện can thiệp hành vi cho một trẻ, chúng ta cần đảm bảo rằng môi trường xung quanh trẻ được thiết lập sao cho các nhu cầu hàng ngày và đặc điểm của trẻ đều được hỗ trợ. Biểu mẫu xanh lá được thiết kế để giúp bạn đưa ra các chiến lược hỗ trợ tương ứng với những đặc trưng của tự kỷ từ đó giúp trẻ có thể phát triển trong mọi môi trường.
Bậc 2 – Xây dựng Kế hoạch can thiệp hành vi (tải biểu mẫu tại đây)
Sau khi bắt đầu áp dụng các chiến lược thân thiện với tự kỷ, đôi khi hành vi đó vẫn sẽ tiếp diễn hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, có nguy cơ gây tổn thương cho bản thân trẻ hoặc người khác hoặc khiến trẻ bị cô lập. Đây là lúc thích hợp để xây dựng một kế hoạch hành vi cá nhân hướng tới một hành vi cụ thể. Biểu mẫu màu cam được thiết kế để giúp tìm hiểu về hành vi, xác định chức năng của hành vi và sau đó là lên kế hoạch can thiệp.
Bậc 3 – Xây dựng Kế hoạch Phản hồi (tải biểu mẫu tại đây)
Bước thứ ba là xây dựng kế hoạch phản hồi - một bản hướng dẫn cụ thể, từng bước một, tương ứng với diễn biến tăng dần của hành vi, kèm theo cách quản lý và chiến lược giảm leo thang hành vi ở từng mức độ. Kế hoạch phản hồi cũng sẽ bao gồm các chiến lược hữu ích để giúp chúng ta tự quản lý cảm xúc của bản thân trong khi cố gắng hỗ trợ trẻ đang có hành vi cần quan tâm.
Thông thường, điều quan trọng nhất của một bản kế hoạch can thiệp là đảm bảo tất cả các chiến lược đều được áp dụng và thực hiện hàng ngày. Bạn có thể chọn cho mình một cách phù hợp để nhắc bản thân thực hiện các chiến lược mỗi ngày. Ở đây chúng tôi giới thiệu Bảng kiểm quá trình thực hiện (Biểu mẫu màu xanh dương - tải biểu mẫu tại đây) để bạn có thể áp dụng nếu muốn.
Dưới đây là một số biểu mẫu mà bạn có thể sử dụng:
Biểu mẫu xanh lá - Hồ sơ cá nhân của Trẻ tự kỷ
Biểu mẫu màu cam - Kế hoạch can thiệp hành vi
Biểu mẫu màu đỏ - Kế hoạch phản hồi
Biểu mẫu xanh dương - Bảng kiểm Quá trình thực hiện
Để tìm hiểu về một hành vi cần quan tâm, bạn có thể sử dụng biểu mẫu Hiểu về hành vi
Để xác định các yếu tố có thể làm tăng khả năng hành vi xảy ra, bạn có thể sử dụng bảng Nhiều khả năng/ Ít khả năng
Để tìm hiểu và xác định chức năng của hành vi cần quan tâm diễn ra trong một thời gian dài, bạn có thể sử dụng một số câu trong Bảng hỏi về Chức năng của Hành vi
Để lên kế hoạch cho việc dạy kỹ năng mới, bạn có thể tham khảo biểu mẫu Dạy các kỹ năng mới
Hỗ trợ quản lý cảm xúc là bảng khen thưởng mẫu mà bạn có thể sử dụng để hỗ trợ kỹ năng điều tiết cảm xúc
Hỗ trợ xử lý vấn đề xã hội là phiếu bài tập mẫu mà bạn có thể sử dụng để giúp trẻ nhớ lại về một tình huống xã hội khó khăn đã xảy ra.
Bảng kiểm đánh giá dịch vụ (Dành cho gia đình) được thiết kế để giúp gia đình có thể đặt ra các câu hỏi với tổ chức/ cá nhân đang cung cấp dịch vụ để đảm bảo các thực hành tốt về hỗ trợ hành vi.
Chiến lược cho Bản thân là biểu mẫu được thiết kế để giúp bạn quản lý cảm xúc và suy nghĩ của bản thân.
—
Bạn cũng có thể tìm đọc thêm về PBS tại website của Aspect theo đường link www.autismspectrum.org.au/pbs
Các biểu mẫu được đề cập trong bài viết này thuộc bản quyền của Autism Spectrum Australia. Vui lòng không sao chép, sửa đổi hay sử dụng cho bất cứ mục đích thương mại nào khi chưa có sự đồng ý của Autism Spectrum Australia.