Khái niệm
Rối loạn tăng động giảm chú ý (tên tiếng anh là Attention Deficit Hyperactivity Disorder, viết tắt là ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất ở trẻ em, thường được chẩn đoán trong thời thơ ấu và thường kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể gặp khó khăn về khả năng chú ý, kiểm soát các hành vi bốc đồng (có thể hành động mà không nghĩ kết quả sẽ ra sao) hoặc hiếu động quá mức.
Dấu hiệu và triệu chứng
Đối với trẻ em, việc gặp vấn đề về sự tập trung và cách cư xử lúc này hay lúc khác là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý không chỉ có những biểu hiện này mà những triệu chứng này sẽ tiếp tục kéo dài và có thể gây khó khăn cho trẻ khi ở trường, ở nhà hoặc với bạn bè.
Trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý có thể có các dấu hiệu và triệu chứng như:
- Hay mơ màng (nghĩ vẩn vơ)
- Thường quên hoặc làm mất nhiều thứ
- Ngồi không yên, thích cựa quậy, vặn vẹo tay chân
- Nói quá nhiều
- Mắc những lỗi bất cẩn hoặc những rủi ro không cần thiết
- Khó khăn để cưỡng lại sự cám dỗ
- Gặp khó khăn khi thực hiện theo lượt/làm lần lượt
- Gặp khó khăn để hòa hợp với người khác
Phân loại
Có 3 loại rối loạn tăng động giảm chú ý. Để xác định trẻ thuộc loại rối loạn giảm chú ý nào phụ thuộc vào việc trẻ đó có nhiều triệu chứng nhất của loại nào:
- Rối loạn tăng động – Nổi trội về giảm chú ý (Predominantly Inattentive Presentation): Trẻ có rối loạn tăng động – nổi trội về giảm chú ý thường rất khó để tổ chức hoặc hoàn thành một nhiệm vụ, chú ý đến các chi tiết hoặc làm theo những hướng dẫn hoặc các cuộc hội thoại. Trẻ cũng dễ bị phân tâm hoặc quên các chi tiết trong lịch trình/thói quen hàng ngày.
- Rối loạn tăng động – Nổi trội về sự tăng động và bốc đồng (Predominantly Hyperactive-Impulsive Presentation): Thường ngồi không yên và nói rất nhiều. Trẻ rất khó ngồi yên trong một khoảng thời gian dài (ví dụ như trong một bữa ăn hoặc trong khi làm bài tập về nhà). Các trẻ bé thì có thể chạy, nhảy hoặc leo trèo liên tục. Trẻ cảm thấy bồn chồn và gặp rắc rối với sự bốc đồng. Trẻ bốc đồng có thể ngắt lời người khác (xen lời vào khi nghe người khác nói chuyện) rất nhiều, tự tiện lấy những thứ của người khác, hoặc nói chuyện vào những thời điểm không thích hợp. Rất khó để cho trẻ chờ đến lượt của mình hay lắng nghe các chỉ dẫn. Trẻ bị bốc đồng có thể bị tai nạn và chấn thương nhiều hơn những trẻ khác.
- Dạng kết hợp (Combined Presentation): Trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý dạng kết hợp sẽ có các triệu chứng của cả 2 loại trên. Vì các triệu chứng có thể thay đổi qua thời gian nên các biểu hiện cũng có thể thay đổi theo thời gian.
Nguyên nhân
Các nhà khoa học đang nghiên cứu (các) nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ với nỗ lực nhằm tìm ra các cách tốt hơn để quản lý và giảm nguy cơ cho những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Người ta vẫn chưa xác định được các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý nhưng những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng di truyền học đóng một vai trò quan trọng. Những nghiên cứu gần đây về các cặp sinh đôi đã cho thấy mối liên kết giữa gen và rối loạn tăng động giảm chú ý.
Ngoài các yếu tố về gen, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu về các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác có thể có liên quan đến rối loạn tăng động giảm chú ý, bao gồm:
- Chấn thương não
- Tiếp xúc với các yếu tố ngoài môi trường (như kim loại chì) trong thời kỳ mang thai hoặc khi còn trẻ
- Sử dụng rượu và thuốc lá trong thời kỳ mang thai
- Đẻ non
- Cân nặng khi sinh thấp
Kết quả của các nghiên cứu không ủng hộ quan điểm phổ biến rằng ADHD là do ăn quá nhiều đường, xem ti vi quá nhiều, do cách nuôi dạy của cha mẹ, hoặc do các yếu tố xã hội và môi trường như nghèo đói hay lộn xộn/hỗn loạn trong gia đình. Dĩ nhiên là có rất nhiều thứ, bao gồm cả những yếu tố trên có thể làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở một số người nhất định. Nhưng không có bằng chứng đủ mạnh để kết luận rằng đây là những nguyên nhân chính gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý.
Chẩn đoán
Để quyết định xem một đứa trẻ có bị rối loạn tăng động giảm chú ý không là một quá trình nhiều bước. Không có một xét nghiệm duy nhất để có thể chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý, và nhiều vấn đề khác, như lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, và một số loại khuyết tật về học tập, có thể có các triệu chứng tương tự nhau. Bước đầu tiên của quá trình chẩn đoán là cần có một cuộc kiểm tra sức khỏe (khám sức khoẻ), bao gồm kiểm tra thính giác và thị lực, để loại trừ các vấn đề khác với các triệu chứng giống như rối loạn tăng động giảm chú ý. Bước sau đó của quá trình chẩn đoán có thể bao gồm một bảng kiểm (checklist) để đánh giá các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và thông tin về quá trình phát triển của trẻ từ cha mẹ, thầy cô, và đôi khi là từ trẻ.
Điều trị
Trong hầu hết các trường hợp, rối loạn tăng động giảm chú ý được điều trị tốt nhất bằng cách kết hợp liệu pháp hành vi và dùng thuốc. Đối với trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo (4-5 tuổi) bị rối loạn tăng động giảm chú ý, thì điều trị hành vi, đặc biệt là tập huấn cho phụ huynh, được khuyến nghị là liệu pháp điều trị đầu tiên. Không một phương pháp điều trị duy nhất là câu trả lời cho mọi trẻ và các kế hoạch điều trị tốt sẽ bao gồm việc giám sát chặt chẽ, theo dõi và có những thay đổi cần thiết trong quá trình điều trị.
Quản lý triệu chứng: Duy trì sức khỏe
Sức khỏe là điều quan trọng đối với tất cả trẻ em và càng đặc biệt quan trọng đối với trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý. Ngoài trị liệu hành vi và dùng thuốc, một lối sống lành mạnh có thể giúp con bạn dễ đối phó với các triệu chứng hơn. Dưới đây là một số hành vi lành mạnh mà có thể giúp ích cho con bạn:
- Có một chế độ ăn lành mạnh, tập trung vào trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu lăng.
- Cho trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất ít nhất là 60 phút mỗi ngày
- Giới hạn thời gian xem ti vi, máy tính hay điện thoại hàng ngày
- Cho trẻ ngủ đủ giấc mỗi tối phù hợp với độ tuổi của trẻ
Nguồn: Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ: https://www.cdc.gov/ncbddd/adhd/facts.html