×
×

Giới thiệu bộ công cụ sàng lọc rối loạn tăng động- giảm chú ý Vanderbilt và bộ công cụ giúp theo dõi quá trình điều trị cho trẻ tăng động- giảm chú ý

Ngày cập nhật: 19/05/2022

BỘ CÔNG CỤ SÀNG LỌC RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG, GIẢM CHÚ Ý VANDERBILT VÀ BỘ CÔNG CỤ GIÚP THEO DÕI KẾT QUẢ QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ CHO TRẺ CÓ TĂNG ĐỘNG, GIẢM CHÚ Ý


Thang đo đánh giá tăng động, giảm chú ý (ADHD) Vanderbilt hay còn gọi là Thang đánh giá chẩn đoán tăng động, giảm chú ý Vanderbilt (VADRS) là một công cụ đánh giá tâm lý đối với hành vi/triệu chứng tăng động, giảm chú ý cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi. Bộ công cụ này do Tiến sĩ Mark Wolraich và các cộng sự tại Trung tâm Khoa học Y tế Oklahoma xây dựng [1]. Ấn bản đầu tiên ra đời vào năm 2002. Kể từ lần xuất bản đầu tiên, đã có 2 phiên bản tiếp theo: Phiên bản thứ 2 (năm 2011) và phiên bản thứ 3 (năm 2019). Hiện tại A365 đang sử dụng phiên bản thứ 3 với 4 bộ công cụ sau:

- Bộ sàng lọc ADHD dành cho cha mẹ (VADPRS)

- Bộ sàng lọc ADHD dành cho giáo viên (VADTRS)

- Bộ theo dõi kết quả quá trình điều trị của trẻ dành cho cha mẹ

- Bộ theo dõi kết quả quá trình điều trị của trẻ dành cho giáo viên

 

Các bộ công cụ được thiết kế dành cho 2 đối tương là người chăm sóc và giáo viên với 2 mục đích: (1) đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng rối loạn tăng động – giảm chú ý và (2) theo dõi quá trình điều trị/can thiệp cho trẻ.

Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy, các bộ công cụ này có độ tin cậy, độ nhạy và độ đặc hiệu khá cao với cả cộng cụ dành cho giáo viên (độ nhạy là 69%, độ đặc hiệu là 84%, Độ tin cậy (Cronch ‘back alpha): >0.89)[2] và công cụ dành cho người chăm sóc (độ nhạy là 80%, độ đặc hiệu là 75%, Độ tin cậy (Cronch ‘back alpha): >0.9) [3].

Ai có thể sử dụng?

Các bộ công cụ được thiết kế để giáo viên và người chăm sóc làm sàng lọc ADHD cho trẻ. Cán bộ y tế/cán bộ chuyên môn cũng có thể sử dụng bộ cộng cụ bằng cách phỏng vấn người chăm sóc trẻ.

Sử dụng Thang đánh giá chẩn đoán tăng động, giảm chú ý Vanderbilt như thế nào?

Trên website và app A365, người chăm sóc, giáo viên và cán bộ chuyên môn có thể sử dụng miễn phí phiên bản tiếng Việt đã được xin phép bản quyền để sàng lọc, đánh giá nguy cơ rối loạn tăng động, giám chú ý cho trẻ và theo dõi quá trình điều trị. Người dùng thực hiện bằng cách trả lời các câu hỏi về hành vi của trẻ trong 6 tháng qua.

1.     Đối với mục đích sàng lọc: Gồm có bộ công cụ dành cho cha mẹ và bộ công cụ dành cho giáo viên

1.1. Bộ công cụ sàng lọc ADHD dành cho cha mẹ: Gồm có 48 câu hỏi để đánh giá hành vi/triệu chứng của trẻ và 8 câu hỏi để đánh giá kết quả học tập và tương tác xã hội của trẻ. Ngoài ra, có 3 câu hỏi về rối loạn TIC và 4 câu hỏi về quá trình điều trị của trẻ.

1.2. Bộ công cụ sàng lọc ADHD dành cho giáo viên: Gồm có 35 câu hỏi để đánh giá hành vi/triệu chứng của trẻ và 8 câu hỏi để đánh giá kết quả học tập và tương tác xã hội của trẻ. Ngoài ra, có 3 câu hỏi về rối loạn TIC và 4 câu hỏi về quá trình điều trị của trẻ.


Sau khi cha mẹ/giáo viên trả lời hết các câu hỏi, A365 sẽ giúp tính điểm và bạn sẽ có kết quả điểm sàng lọc của trẻ. Nếu kết quả trẻ có nguy cơ, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn về tâm lý và tâm thần trẻ em để trẻ được đánh giá thêm và có kết luận chính xác.


Người chăm sóc / nhà chuyên môn/ giáo viên có thể thực hiện bộ công cụ sàng lọc ADHD bằng cách bấm vào link sau: Bộ sàng lọc ADHD (VADPRS/VADTRS)


2.     Đối với mục đích theo dõi quá trình điều trị/can thiệp cho trẻ

 Công cụ chỉ được thực hiện với trẻ có chẩn đoán tăng động, giảm chú ý và đang trong quá trình điều trị/can thiệp. Đối với trẻ chưa có chẩn đoán hoặc đã được chẩn đoán nhưng không đang trong quá trình điều trị/can thiệp thì không sử dụng công cụ này. Người dùng cần thực hiện ít nhất 2 lần (cách nhau 1 tháng) để có thể đánh giá được sự tiến bộ của trẻ

 

2.1. Bộ công cụ giúp cha mẹ theo dõi quá trình điều trị/can thiệp cho trẻ: Gồm có 26 câu hỏi để đánh giá hành vi/triệu chứng của trẻ và 8 câu hỏi để đánh giá kết quả học tập và tương tác xã hội của trẻ. Ngoài ra, còn có 12 câu hỏi về những vấn đề sức khỏe hoặc tác dụng phụ do việc sử dụng thuốc điều trị. Cha mẹ và nhà chuyên môn có thể thực hiện bộ công cụ giúp theo dõi quá trình điều trị/can thiệp ADHD bằng cách bấm vào link sau: Bộ theo dõi kết quả quá trình điều trị ADHD dành cho cha mẹ

 

2.2. Bộ công cụ giúp giáo viên theo dõi quá trình điều trị/can thiệp cho trẻ: Gồm có 28 câu hỏi để đánh giá hành vi/triệu chứng của trẻ và 8 câu hỏi để đánh giá kết quả học tập và tương tác xã hội của trẻ. Ngoài ra, còn có 12 câu hỏi về những vấn đề sức khỏe hoặc tác dụng phụ do việc sử dụng thuốc điều trị.


Người dùng(cha/mẹ, cán bộ chuyên môn, giáo viên) có thể thực hiện bộ công cụ giúp theo dõi quá trình điều trị/can thiệp ADHD bằng cách bấm vào link sau: làm bài Vanderbilt assessment follow up

 

Sau khi trả lời hết các câu hỏi, A365 sẽ tự động tính điểm. Người dùng nên so sánh với kết quả thực hiện lần trước đó. Nếu điểm trung bình của trẻ lần sau thấp hơn so với lần trước có nghĩa là trẻ đang có sự tiến bộ. Tuy nhiên, kết quả tự đánh giá này chỉ mang tính tham khảo, mọi kết luận về tình trạng của trẻ cần được đánh giá chuyên sâu bởi một người có chuyên môn về lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

 

Nguồn:

[1] https://www.nichq.org/resource/nichq-vanderbilt-assessment-scales

[2]: Wolraich ML, Bard DE, Neas B, Doffing M, Beck L. The psychometric properties of the Vanderbilt attention-deficit hyperactivity disorder diagnostic teacher rating scale in a community population. J Dev Behav Pediatr. 2013 Feb;34(2):83-93. doi: 10.1097/DBP.0b013e31827d55c3. PMID: 23363973.

[3] Bard DE, Wolraich ML, Neas B, Doffing M, Beck L. The psychometric properties of the Vanderbilt attention-deficit hyperactivity disorder diagnostic parent rating scale in a community population. J Dev Behav Pediatr. 2013 Feb;34(2):72-82. doi: 10.1097/DBP.0b013e31827a3a22. PMID: 23363972.

Follow us