×
×

Dạy trẻ tập trung mức cao

Ngày cập nhật: 22/10/2021

Tại sao việc tập trung lại quan trọng?

Trẻ sẽ học tốt hơn nếu có sự tập trung và chú ý. Trẻ học hầu hết các kỹ năng trong cuộc sống thông qua việc thực hành nhiều lần (ví dụ như các kỹ năng đọc, viết chữ, buộc dây giày hoặc đi xe đạp). Để giúp trẻ cải thiện các kỹ năng và có thể tham gia các hoạt động ở trường, trẻ nên học cách tập trung, chú ý khi thực hiện các hoạt động.


Trẻ có thể gặp phải những thách thức hoặc khác biệt nào khi cần tập trung?

  • Tự kiểm soát bản thân: trẻ có thể bình tĩnh lại khi trẻ quá năng động, không thể ngồi yên một chỗ hoặc trẻ có thể tập trung, chú ý lại nếu trẻ bị mất tập trung.
  • Kiểm soát được nhiễu từ môi trường sống: như tiếng ồn lớn và/hoặc qúa nhiều hình ảnh làm cho trẻ mất tập trung như áp phích hoặc tranh ảnh treo trên tường.
  • Kiểm soát và hiểu được các nhiệm vụ có nhiều bước.
  • Tham gia vào các hoạt động mà trẻ không thích, không quan tâm.


Những chiến lược nào có thể giúp trẻ vượt qua những khó khăn này?

  • Hãy chắc chắn rằng trẻ có thể tham gia vào các hoạt động vui chơi, tiêu tốn năng lượng trước khi tham gia vào những hoạt động cần sự chú ý và tập trung. Vì các hoạt động vui chơi giúp trẻ tiêu bớt năng lượng và hạn chế sự năng động ở trẻ.
  • Bố trí môi trường đáp ứng các nhu cầu học tập của trẻ bằng cách loại bỏ những thứ có thể làm trẻ bị xao lãng.
  • Đưa ra những hướng dẫn bằng lời ngắn gọn, rõ ràng kèm theo bảng biểu trực quan hoặc các dấu hiệu để trẻ hiểu các hướng dẫn.
  • Nếu trẻ mất tập trung trong một trò chơi, hãy tạo cơ hội để trẻ chơi luân phiên. Bạn cũng có thể tham gia vào các hoạt động hoặc trò chơi đó để tăng động lực cho trẻ tham gia.
  • Chia một hoạt động thành các hoạt động nhỏ hơn và sử dụng các phần thưởng như là một động lực để giúp trẻ tập trung.

+ Để khuyến khích trẻ hoàn thành một nhiệm vụ, đưa ra cho trẻ mục tiêu nhỏ mà trẻ có thể hiểu được. Ví dụ, “con tô màu cho con chó, sau đó con được chơi với ô tô”. Cha mẹ đưa ra một mục tiêu cụ thể mà trẻ có thể đạt được, khi đó trẻ sẽ hiểu cha mẹ mong muốn gì ở trẻ.

+ Sau khi trẻ thực hiện thành công hoạt động, hãy thưởng cho trẻ đồ vật/ trò chơi mà trẻ thích, và cho trẻ chơi một lúc trước khi trở lại “làm việc”. Sẽ rất hữu ích nếu cha mẹ đặt thời gian chơi cho trẻ, để trẻ biết rằng khi nào chuông reo là đã hết thời gian nghỉ ngơi, đến lúc quay trở lại “làm việc”.

+ Khi khả năng tập trung của trẻ tăng lên, hãy yêu cầu trẻ thực hiện những nhiệm vụ mất nhiều thời gian hơn và giảm khen thưởng (giảm số lần khen hoặc dùng quà tặng kém hấp dẫn hơn) để trẻ học cách tập trung không phụ thuộc vào phần thưởng.

  • Bạn có thể chơi cùng với trẻ để vừa dạy trẻ khả năng tập trung, vừa mang lại niềm vui cho trẻ:


+ Các trò chơi với thẻ/bài: yêu cầu trẻ phải tìm ra từng cặp bài giống nhau. Khi đến lượt, trẻ được lật 2 thẻ/bài một lúc. Chơi luân phiên và nói “Đến lượt mẹ, lượt con”.

+ Các trò chơi lắng nghe: ví dụ, nghe bài hát có từ mô tả hành động như vỗ tay, dậm chân v.v.

  • Khi cùng trẻ đọc một cuốn sách, bạn hãy chỉ vào từ mà bạn đang đọc. Khi bạn đọc đến từ nào thì lại di chuyển ngón tay đến từ đó. Thay vì chỉ đọc truyện cho trẻ nghe, bạn hãy cùng trẻ thảo luận về câu chuyện: nói về các bức tranh, đưa ra các câu hỏi về câu chuyện (ví dụ, con nhìn thấy bao nhiêu con chim trong bức tranh?). Khi bạn đọc hết cuốn sách, hãy khen ngợi trẻ đã chú ý vào câu chuyện (ví dụ, tuyệt quá, chúng ta đã đọc xong được quyển sách này rồi!).


Không được phép sử dụng video và các bài viết trên trang a365.vn mà chưa có sự đồng ý từ A365


Phụ huynh nói gì?

Một trong những kỹ năng mà bạn có thể lồng ghép vào các trò chơi là kỹ năng chú ý. Chú ý nghe hiệu lệnh, chú ý tới các dấu hiệu của trò chơi. Nếu trẻ chơi một cách vui thích thì kỹ năng này sẽ được nạp rất nhanh. Video dạy kỹ năng chú ý khi chơi giới thiệu với các bạn một số trò chơi có thể dùng để luyện kỹ năng chú ý. Đầu tiên là chơi bắt chước các con vật. Trò chơi này tôi cũng được huấn luyện trực tiếp khi sang Thái Lan mùa hè năm 2015. Tôi chơi cùng với các cha mẹ và các bạn tự kỷ. Nhiều bạn lớn đùng rồi vẫn còn phải luyện chơi trò này. Các bố mẹ cũng nên tập chơi thử trước khi dạy con, những trải nghiệm trong khi chơi sẽ giúp bạn, khi dạy con bạn biết điều chỉnh tốt hơn.

Trò chơi đơn giản là phải chú ý lên tấm bảng người điều khiển đứng cuối phòng giơ ra. Trên bảng vẽ con gì thì các người chơi phải làm đông tác giống con ấy, kêu giống con ấy và đi hoặc bò về đích trong vai con vật đó. Có vài con đơn giản như chó, mèo, thỏ, gấu... Chó và mèo thì bạn phải bò và kêu, thỏ thì bạn nhẩy, gấu thì đi khệnh khạng... Cả nhà nên cùng tham gia trò chơi này, nó đơn giản nhưng thật sự rất vui. Con sẽ phải học cách chú ý xem người phụ trách đưa ra tấm bảng vẽ con gì, con cũng phải chú ý bắt chước cử chỉ của con vật đó. Các trò chơi với nhạc cũng rất củng cố kỹ năng chú ý. Ví dụ mở một bài hát và làm theo các động tác trong bài. Nên chọn bài vui nhộn và nhiều động tác thú vị. Những thói quen khác như nói gì chỉ vào thứ đó, đọc chuyện tranh chỉ vào sách... cũng sẽ giúp con tăng độ tập trung. Khi luyện nhiều trò chơi cần tập trung, nghe hiệu lệnh mới làm, con sẽ dễ dàng hòa nhập hơn ở trường mẫu giáo.

Tôi trích đăng ở đây nhật ký khi Khoai 5 tuổi nhé, đó là một buổi học ở trường mẫu giáo. Sau rất nhiều luyện tập Khoai mới thành công ở trường như thế này. Tôi đã đứng bám cổng trường để xem con chơi, sung sướng đến mức người đi đường cũng phải ngạc nhiên đấy. "...Hôm nay là một buổi học ngoài trời. Mẹ lại đứng lại ngoài hàng rào dán mắt nhìn vào. Cô cho học bài chạy dích dắc quanh mấy cái ống bơ xếp thành hàng. Cô giảng giải và làm mẫu trước. Cô bảo ai xung phong chạy thử. Tớ giơ tay liền. Nhưng cô gọi bạn khác. Bạn làm xong cô mời mọi người nhận xét bạn làm có đúng không. Tớ lại giơ tay (ừ thì thấy người ta giơ tớ cũng giơ, trả lời thế nào là ...chuyện khác). Cô không gọi. Nhưng tớ cũng biết là không nên gào lên trả lời nếu chưa được phép trả lời. Sau đó, lần lượt bọn tớ lên biểu diễn chạy đường dích dắc. Tớ hí hửng đợi đến lượt chạy, chứ không phải lao bừa vào chạy ngay như trước đâu nhé. Trước ấy mà, tớ thích nhất giờ thể dục, nhưng cứ chạy vù lên đứng hàng đầu và làm ngay những động tác ưa thích, không cần biết cô đã cho phép hay chưa. Ngăn tớ lại là tớ rú ầm lên ấy chứ... May quá, giờ tớ đã nhận ra một ít pháp luật cơ bản. Mấy bạn đầu lên chạy dích dắc không đúng hướng dẫn cả đâu nhé. Trông dễ mà khó đấy, có bạn phải làm lại vài lần. Hồi hộp quá, sắp đến lượt tớ. Mẹ đứng ngoài không trông rõ cái hàng ống bơ lắm, đâm sốt ruột. Mẹ bèn...leo lên bờ rào, nhỏn nhẻn cười duyên cầu khẩn với chú bảo vệ, nên chú cũng lờ đi. Đến lượt mình rồi, xuất phát đúng hiệu lệnh nhé, chạy rất đúng chỉ dẫn, cũng đúng tốc độ (cô lắc chuông nhanh là phải chạy nhanh, chậm là chạy chậm). Ura, về đích rồi, thành công rồi! Có hai điều làm mẹ sung sướng, một là mình đã làm đúng yêu cầu bài tập, hai là cái vẻ vui sướng mãn nguyện nở rõ ra trên mặt mình. Một trải nghiệm thành công, dù là rất nhỏ, nhưng giá trị rất cao. Tiếp đó, để cho trọn vẹn niềm vui của mẹ, mình không chạy té lên đầu hàng để được chơi tiếp như trước nữa, mà đứng nối vào cuối hàng một cách ngăn nắp, lịch sự, chờ đến lượt mới!"

Các bố mẹ cố gắng thực hành cho con nhé. Những trò chơi trong video chỉ là gợi ý, các bố mẹ thoải mái sáng tạo. Miễn là thêm thắt vào các trò chơi con thích chơi các dấu hiệu, hiệu lệnh nào đó, tùy độ tuổi và độ hiểu của con, để con biết nghe hiệu lệnh khi chơi là thành công rồi. Ban đầu đừng dùng hiệu lệnh phức tạp quá nhé. Sự sáng tạo sẽ giúp các bạn thành công.


Chuyên gia nói gì?

Trẻ tự kỷ thường rất tập trung khi chơi theo cách của các con, các con có thể ngồi rất lâu quay bánh xe ô tô hoặc phẩy tay, hay xoay vòng các đồ vật, sắp xếp đồ thành một chuỗi nhất định, hoặc ngồi chơi với iPad v.v. Điều chúng ta muốn khuyến khích là con tham gia vào các hoạt động khác có tương tác với mọi người, ít nhất là ở giai đoạn đầu, cho tới khi con có thể tập trung chơi một mình với các hoạt động có ý nghĩa. Các trò chơi xã hội giữa bố mẹ và con là điểm bắt đầu rất dễ để giúp con tham gia, ví dụ như Ú òa, máy bay cao thấp (bố mẹ bế con, giả vờ con là máy bay, rồi lái cao thấp, xoay vòng), kéo cưa lừa xẻ, v.v. Khi con đã thích tương tác với bố mẹ rồi, thì bố mẹ chơi cùng với con các đồ chơi mà con thích trước, rồi mở rộng các hoạt động. Vốn sở thích của con tăng và con biết cách chơi/dùng/thao tác các đồ vật tốt hơn thì khả năng tập trung vào các hoạt động cũng tăng lên tương tự như với trẻ thường. Với trẻ thường, tầm 4-5 tuổi trẻ có thể tập trung chú ý để hoàn thành một công việc kéo dài trong khoảng 10 -12 phút, từ 5 tới 8 tuổi, trẻ có thể tự làm bài tập về nhà trong 20 phút, v.v. Do đó bố mẹ cũng nên đặt kỳ vọng tương ứng với mức độ phát triển của con và thúc đẩy khả năng đó tăng lên thông qua các chiến lược trên đây.

Follow us