×
×

Dạy trẻ giải quyết tình huống đơn giản

Ngày cập nhật: 09/02/2021

Mức độ đơn giản nhất của giải quyết tình huống là trẻ có thể giao tiếp phù hợp để yêu cầu bố mẹ/người chăm sóc đáp ứng nhu cầu. Ví dụ, nếu trẻ thích bim bim ở trên nóc tủ và trẻ chưa có lời nói, trẻ có thể học cách chỉ tay. Nếu trẻ đã có lời nói, thì cần kết hợp sử dụng chỉ tay và lời nói ở mức độ trẻ làm được (“ạ”, “bờ bờ”, “bim bim” hoặc “cho con ăn bim bim ạ”, v.v.). Ở mức độ này, mời các bố mẹ xem phần bài tập “Dạy trẻ đưa ra yêu cầu” ở mục giao tiếp.

Mức độ đơn giản khác của giải quyết tình huống là lựa chọn các phương án trong chơi lắp ghép. Trẻ có thể thử các cách lắp ghép khác nhau, qua các phép thử đúng sai, trẻ sẽ lựa được cách lắp ghép tối ưu nhất. Bài tập “dạy trẻ chơi khối hộp và lắp ghép” sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn về cách dạy trẻ ở giai đoạn này.

Khi chơi, nên tạo tình huống mà trẻ được phép thử nhiều giải pháp khác nhau, để trẻ học được rằng, mỗi tình huống có thể có nhiều giải pháp, và mỗi giải pháp sẽ có ưu nhược điểm khác nhau. Chẳng hạn, khi trẻ chơi thả ô tô vào đường đua siêu tốc, trẻ được thả nhiều loại hình vào đường đua để thấy tốc độ chạy khác nhau, và rút ra rằng các vật hình tròn hoặc ô tô có bánh tròn sẽ lăn nhanh nhất và dễ nhất.

Những hoạt động đơn giản này giúp trẻ dần hình thành được thói quen đưa ra các giải pháp khác nhau cho tình huống mà trẻ gặp phải, tạo tiền đề cho các bước xử lý tình huống/giải quyết vấn đề cao hơn, bao gồm:

  • Tìm ra được vấn đề trẻ đang gặp phải
  • Đưa ra được các cách giải quyết
  • Phân tích để biết ưu nhược điểm các cách giải quyết
  • Lựa chọn một giải pháp để thực hiện
  • Đánh giá đã giải quyết được vấn đề chưa, nếu chưa, kiên trì thử phương án khác
  • Mức cao hơn nữa là phòng ngừa để các vấn đề không tiếp tục xảy ra trong tương lai

Khi chơi, bố mẹ có thể làm mẫu cho trẻ, nhưng hạn chế can thiệp quá sớm mà nên chờ đợi để trẻ được xoay xở và tự đưa ra được nhiều giải pháp. Chỉ hỗ trợ ngay trước khi trẻ trở nên cáu bực vì không làm được để tránh trẻ nản lòng, vì việc dạy trẻ kiên trì tìm ra giải pháp cũng rất quan trọng để xử lý tình huống.

Tài liệu tham khảo:

Granpeesheh, D., Tarbox, J., Najdowski, A. C., & Kornack, J. (2014).Evidence-based treatment for children with autism: the CARD model. Elsevier

Không được phép sử dụng video và các bài viết trên trang a365.vn mà chưa có sự đồng ý từ a365

Follow us