×
×

Dạy trẻ chơi giả vờ (phần 2)

Ngày cập nhật: 09/02/2021

Tại sao kỹ năng bắt chước và cùng tham gia lại quan trọng?

Chơi tưởng tượng hay còn gọi là chơi giả vờ giúp trẻ phát triển được kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội. Thông thường, trẻ từ 3-7 tuổi có thể chơi giả vờ. Trẻ học chơi giả vờ bằng cách quan sát và bắt chước những người khác, chẳng hạn khi quan sát thấy cha mẹ chăm sóc cho các em nhỏ thì trẻ sẽ bắt chước rồi chơi với búp bê, cho búp bê ăn v.v. Đối với những trẻ nhỏ tuổi hơn, trẻ nên được học kỹ năng bắt chước và tham gia cùng khi chơi, dần dần thì các hành vi mang tính bắt chước sẽ giảm dần và các hành vi có ý nghĩa hơn sẽ càng tăng lên. Việc cho trẻ học cách chơi một mình và chơi cùng các trẻ khác đều rất quan trọng.

Kỹ năng tiền đề: Bắt chước là kỹ năng cơ bản đầu tiên có thể dạy với mọi trẻ. Bố mẹ nên chọn mục tiêu dạy cho trẻ dựa vào khả năng bắt chước hiện tại của trẻ để giúp trẻ bắt chước được những hoạt động phức tạp hơn. Một số ví dụ về các mức phát triển kỹ năng bắt chước vận động như sau:

  • Bắt chước các thao tác đơn giản trên vật (thả khối hộp, đánh trống, đẩy xe ô tô, v.v.)
  • Bắt chước vận động thô (vỗ tay, vẫy tay chào, xoay vòng, dẫm chân, v.v.)
  • Bắt chước vận động tinh (thao tác chơi với đất nặn như lăn, vò, véo đất nặn, vẽ nét nguệch ngoạc)
  • Bắt chước cử động/biểu đạt trên khuôn mặt (mặt xấu, mặt cười, v.v.)
  • Bắt chước hoạt động nhiều bước (bế em bé, lấy bình sữa cho em ti, lau miệng cho em)
  • Bắt chước chơi giả vờ

Những khó khăn hay thách thức trẻ tự kỷ có thể gặp phải khi bắt chước và tham gia cùng?

  • Trẻ bị tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp và hiểu được người khác, ngoài ra các trẻ này còn gặp khó khăn trong việc chơi cùng các trẻ khác.
  • Trẻ cũng khó khăn khi học thông qua quan sát người khác, trẻ cần được dạy “các bước với trò chơi phức tạp”.
  • Trẻ tự kỷ cũng cần được hỗ trợ thêm về các thói quen chơi và các gợi ý để giúp trẻ có thể chơi được với những trẻ khác.


Những chiến lược nào có thể giúp trẻ tự kỷ vượt qua các thách thức trên? 

  • Tạo ra không gian thoải mái cho trẻ: hạn chế yếu tố gây nhiễu và chỉ để lại những gì bạn cần cho các hoạt động, loại bỏ bất cứ đồ vật nào có thể làm trẻ khó chịu.
  • Hãy bắt đầu bằng cách quan sát và nương theo sở thích trẻ, bắt chước lại các hoạt động của trẻ
  • Sử dụng các cụm từ đơn giản khi dạy trẻ các kỹ năng chơi, ví dụ: “Ồ! Búp bê bị ốm rồi”, “Ồ! Búp bê bị ngã rồi”. “Ồ! Búp bê đang khóc”, “Ồ, chiếc xe gặp tai nạn”.
  • Làm mẫu từng bước chơi cho trẻ, sau đó khuyến khích trẻ thử làm nó (ví dụ: cho búp bê ăn, ru búp bê ngủ, chơi trò ô tô bị đâm và gọi xe tải đến kéo…).
  • Đưa ra những hướng dẫn chơi đơn giản và rõ ràng để con biết cách chơi. Khuyến khích con chơi bằng cách để con có thể thắng nhiều hơn thua khi chơi.

Không được phép sử dụng video và các bài viết trên trang a365.vn (http://a365.vn/) mà chưa có sự đồng ý từ a365

Phụ huynh nói gì?

Đây là một trong những video tươi sáng nhất trong A365, cô giáo với nụ cười rạng rỡ chơi cùng ba em nhỏ. Ba cô cậu này xuất hiện trong nhiều video từ đại học Queensland, trong đó bé gái Chiaky tự kỷ rất nhẹ. Cô bé được đưa vào nhóm chơi để khuyến khích và làm mẫu cho các bạn khác.

Cách cô giáo và các bé ngồi quanh bàn rất thoải mái làm tôi nhớ tới một thứ, đó là cái bàn hình móng ngựa. Các bạn nhớ không, đó là cái bàn có dạng chữ U. Có một số trung tâm ở VN dùng cái bàn kiểu này để "khóa" trẻ ở đó, ép buộc phải thực hiện việc học tập. Nhưng ở Philippines tôi đã thấy điều ngược lại, người ta dùng cái bàn chữ U đó cho việc chơi nhóm, thay vì "nhốt" trẻ thì họ "nhốt" cô giáo ngồi trong lòng chữ U đó, còn trẻ ngồi quây quanh ở vòng ngoài. Cô thành trung tâm để thu hút trẻ, cô phải làm sao để trẻ tự nguyện vui vẻ ngồi lại bên bàn, học mà không có cảm giác ép buộc.

Trong video, chúng ta sẽ nhìn thấy có một cậu bé có nhiều vấn đề hành vi nhất so với hai bé còn lại. Cậu luôn láu táu giật đồ khi cô chưa nói xong lệnh, nhưng cậu lại thường thực hiện các yêu cầu chậm chạp nhất. Nhưng cô chỉ dừng đủ lâu để cậu phản hồi, không trách mắng, và khéo léo điều khiển các bạn khác làm các yêu cầu để cậu bé kia tự theo.

Đoạn đầu video 4 cô trò sẽ chơi nặn đất. Họ chỉ nặn quả táo bằng cách vo tròn và nặn quả chuối bằng cách lăn dài. Cô tập trung làm mẫu chuẩn cho các bạn xem. Ai cũng có sản phẩm riêng của mình.

Đoạn sau của video 4 cô trò phối hợp nặn một cái bánh sinh nhật. Cái bánh méo mó và xấu nhất trên đời, nhưng ai cũng được góp phần một tý, người làm đế bánh, người làm lớp kem, người làm nến, nên cuối cùng ai cũng nhận đó là bánh sinh nhật của mình.

Lúc Khoai còn nhỏ, tôi thường kêu gọi bọn trẻ con hàng xóm chơi chung bằng cách mua nhiều đồ chơi, đồ ăn, là người đứng ra tổ chức chơi cho chúng. Rất bừa bộn nhà cửa và rất mệt, nhưng đó là một cách can thiệp tự nhiên nhất. Cứ lôi kéo được Khoai chơi là thành công, kỹ năng và ngôn ngữ sẽ tự hình thành trong lúc chơi. Tôi nghĩ là nhiều cha mẹ lo lắng quá về khả năng nói và nhận thức của con, nên dành quá nhiều thời gian cho các bộ tranh (flash card), cứ đọc tranh, tráo tranh... Không phải là không tốt, thậm chí còn phát triển từ mới rất nhanh ấy, nhưng nhiều quá cũng sẽ không tốt. Vì ngôn ngữ đó chỉ là ngôn ngữ tĩnh. Các bạn nên tổ chức cho con những giờ tham gia vui chơi cùng trẻ khác, kỹ năng bắt chước và tham gia sẽ hình thành. Khi con thích bắt chước, thích tham gia rồi, thì dần dần con sẽ chủ động sử dụng kỹ năng và ngôn ngữ của mình. Tiến trình ấy có lẽ sẽ hơi dài, làm các cha mẹ sốt ruột. Nhưng với gia đình tôi, thì Khoai đã có kết quả. Ví dụ là trò chơi câu cá (cái hộp gắn pin cứ quay tròn, có những con cá nhô lên há mồm ra và phải tra ngay luỡi câu không nó sẽ ngậm mồm lại mất ấy). Lúc đầu là dạy Khoai chơi với người lớn. Lúc chơi được rồi, tự nó đi gạ bọn trẻ khác cùng chơi. Chơi với đứa khôn hơn thì cũng nhiều thất bại, nhưng ít ra là đã bắt đầu biết chủ động tham gia. Đây là đoạn trích nhật ký lúc 5,5 tuổi:

"...Tối về, lại hí hửng mở bộ đồ câu cá, gọi anh Ngô chơi cùng. Nhưng cái anh này quyết không nhường như bác tớ, anh ấy cũng nhanh tay nhanh mắt, nên nguy cơ mình thua là quá rõ. Mình bắt đầu chơi ăn gian, lấy tay ấn lưỡi câu vào mồm cá. Lần đầu thì thoát, nhưng lần sau thì anh quát tướng lên, mình cứ giơ tay lên là lại phải hạ xuống. Thua mất thôi, mình quay lại nhìn mẹ cầu cứu, rồi khóc toáng lên. Mẹ nhún vai, lắc đầu. Tức không chịu được. Mình giằng lấy hết cả bể cá. Anh Ngô ném cần câu, bỏ đi. Khổ nỗi, mình đã bắt đầu hiểu cái vui được có người chơi cùng, mình không thích chơi một mình nữa. Cái này làm mẹ thích lắm đây. Mà lại còn thích gấp đôi khi mà đối tượng chọn chơi cùng không phải là mẹ nữa, mà phải là một đối tác cùng hội cùng thuyền!

Mình chạy ra ngoài, ngó nghiêng hàng xóm, rêu rao: ai chơi câu cá không nào! Chả có ai ra, mình lò dò vào một nhà, rủ rê một thằng lau nhau, chơi câu cá không, Khoai có bể cá này, hay...vãi chưởng! Sang đây mà xem, này này! Nó đồng ý chơi cùng và hai thằng bắt đầu câu. Nó đương nhiên câu giỏi hơn. Nhưng mà mình không thích thua. Phải thắng mới oách. Phải ăn gian mới thích. Phải tranh giành nó chứ. Chí choé một hồi, nó cũng ném cần đứng lên, vứt lại một câu: "thằng điên!". Thế mới đau chứ!".

Nếu mọi người nghĩ làm sao mà con tự kỷ biết chơi được thì xem video nhé. Hãy kiên nhẫn như các cô giáo của A365. Có nhiều phụ huynh thắc mắc rằng, con của họ không thể hợp tác được như những đứa trẻ trong video mẫu của A365. Thực ra, đây là những đứa trẻ đã được các cô làm quen, tìm hiểu, chơi cùng và đã được củng cố các kỹ năng trong một thời gian. Chúng tôi không thể ghi hình lại toàn bộ giai đoạn đó được mà chỉ lấy một bài học mẫu. Nếu các bạn tham khảo mà con chưa thể thực hiện được ngay, thì cũng là điều rất bình thường. Bạn và con cần kiên trì tập luyện mỗi ngày một chút, chia nhỏ các mục tiêu để phấn đấu thực hiện, và dần dần con sẽ hoàn thành được bài tập như trong video.

Gợi ý các trò chơi và hoạt động ở nhà

Trong phần này, các bạn sẽ tìm thấy những gợi ý trò chơi, tùy thuộc mức độ và sở thích của con mà bạn lựa chọn:

- Chơi với đất nặn: đây là trò chơi sẽ mở ra những sáng tạo vô biên. Mình từng gặp hai bố con ở Thái Lan, cậu con trai 20 tuổi là một thiên tài về đất nặn, sản phẩm của cậu ấy tinh xảo vô cùng. Ông bố chia sẻ kinh nghiệm: đầu tiên là hướng dẫn con nặn chân, tay sáp để lắp vào cho những con siêu nhân đồ chơi bị gãy (bọn siêu nhân thương binh thì nhà nào có con trai cũng có, đúng không). Sau đó mua sách hướng dẫn nặn theo mẫu ( ở các nhà sách thiếu nhi), cuối cùng con tự sáng tạo theo những mẫu con thấy ngoài tự nhiên. Không phải cháu nào cũng thành thiên tài đất nặn như chàng trai kia, nhưng nếu con thích (và mẹ cũng thích), thì hãy cùng chơi đi. Đất nặn mua khá đắt, nếu sử dụng nhiều, các bạn nên học công thức tự làm đất nặn (phổ biến nhiều trên mạng) để tự làm

- Chơi với ống hút nhiều màu: học thổi hơi, hổi bong bóng xà phòng, học về màu sắc. Cũng có thể lên mạng tìm những sáng tạo với ống hút của các bạn trẻ để tự làm với con. Bạn hãy nhớ là luôn trân trọng sản phẩm con làm ra nhé.

- Chơi với bất cứ thứ gì trong nhà có: lúc nhỏ Khoai thích nhất mẹ và anh chơi cùng những trò như: lấy gối ôm để phi ngựa, lấy chiếu cuộn thành cái hầm để chui ra chui vào, lấy cái miếng gỗ dài gác lên giường làm cầu trượt cho những cái ô tô trượt xuống... Bạn hãy hiểu là, chỉ cần con rất vui và nó kêu to "a a a...", đấy là ngôn ngữ rồi, một ngôn ngữ chủ động, luồng hơi khỏe, có ngữ điệu và cảm xúc! Bạn cứ phát triển vốn từ trong lúc chơi như thế nhé. Bạn có kỹ năng, biết chú trọng những điều đó trong khi chơi là được. Nhớ áp dụng 6 chiến thuật mà A365 đã khuyên bạn trong những bài trước.

Ngoài ra, video còn gợi ý các trò chơi với chữ số, với kéo cắt... Bạn cứ lựa dần để áp dụng. Các bạn cũng chịu khó đi dạo mấy cửa hàng đồ chơi giáo dục mầm non, chịu khó lùng trên mạng nữa. Hãy làm sao cho con luôn hóng đợi những giờ chơi tuyệt vời cùng mẹ. Khi con thích chơi, có thể lấy đó làm phần thưởng để sau này dạy con những kỹ năng khó hơn, ví dụ con tập viết một trang rồi sẽ được chơi 30 phút. Chặng đường sau còn phải học viết, học đọc, làm toán rất nhiều... Nếu xen giữa học và những giờ chơi vui thích, cuộc sống của đứa trẻ sẽ dễ dàng hơn.


Follow us